Những câu chuyện về những con quái vật luôn là vấn đề nóng hổi không chỉ đối với những người bình thường mà còn là đề tài nghiên cứu đối với các nhà khoa học. Trong số đó, không thể không kể đến “chupacabra” – một con quái vật huyền thoại trong văn hóa dân gian của châu Mỹ nhưng không ít người cho rằng nó có thật. Chupacabra (chupa = hút, cabra = dê) và tên gọi của nó gắn liền với hành vi tấn công và hút cạn máu gia súc.
1. Nguồn gốc
Loài vật này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 90 tại tại khu vực Mỹ Latinh. Cuộc tấn công được cho là do chupacabra gây ra được báo cáo đầu tiên vào tháng 3 năm 1995 tại Puerto Rico: 8 con cừu đã chết, mỗi con có ba vết đâm ở ngực và máu bị hút sạch. 5 tháng sau cũng tại Puerto Rico, một người phụ nữ tên Madelyne Tolentino trình báo bà đã nhìn thấy một sinh vật kì lạ như người ngoài hành tinh xuất hiện trước cửa sổ nhà bà, tại thị trấn Canovanas. Cũng tại đây theo thống kê có đến hơn 150 gia súc tại các trang trại và thú cưng bị giết hại với cùng phương thức. Tên gọi chupacabra cũng xuất hiện từ đây.
Câu chuyện này nhanh chóng lan khắp các quốc gia vùng Mỹ Latinh cho đến một số bang phía nam của Mỹ và nhiều nơi cũng báo cáo tình trạng gia súc bị giết hại tương tự. Tại thời điểm đó, đây cũng là chủ đề “nóng hổi” đối với những người hứng thú với UFO cũng như các thuyết âm mưu.
Tại các thời điểm cũng như địa điểm khác nhau, loài vật hút máu này cũng được miêu tả khác. Năm 1995, theo Loren Coleman – giám đốc Bảo tàng International Cryptozoology cho biết chupacabra được miêu tả như một loài vật cao tầm 1m, lông xám, ngắn và có những gai nhọn trên lưng. Đến cuối những năm 90, miêu tả về chúng lại một lần nữa thay đổi. Những điều này thực chất đều do tác động của truyền thông vì kể cả người dân tại vùng Puerto Rico - nơi được cho là lần đầu nó xuất hiện, vẫn chưa lên tiếng nhiều.
Ngoài ra, loài vật này còn được xem là có họ hàng với cả ma cà rồng khi những dấu vết chúng để lại trên các con vật đáng thương kia chỉ là 1 hoặc 2 vết cắn rất nhỏ.
2. Câu trả lời của khoa học
Trên thực tế, khác với những loài quái vật khác chỉ có thể nhìn thấy qua hình ảnh mờ ảo, không rõ chủ thể như quái vật hồ Lochness hay Bigfoot, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những bằng chứng khá rõ ràng về con quái vật này.
Benjamin Radford, một nhà nghiên cứu trong Committee for Skeptical Inquiry đã bắt tay vào thực hiện nghiên cứu về sinh vật nổi tiếng này. Những manh mối đầu tiên chính là DNA trên vết cắn của các loài vật đã chết và các nhân chứng tại khu vực Mỹ Latinh và miền nam nước Mỹ. Ông bắt đầu với thân hình của chupacabra. Nhìn chung, họ đều miêu tả đây là loài vật trụi lông, vẻ ngoài hốc hác và làn da cháy nắng.
Điều đáng ngạc nhiên chính là kết quả DNA. Kết quả cho thấy đây có thể là những động vật quen thuộc như sói, chó hay gấu trúc. Nếu như vậy tại sao khi nhìn thấy những con chó, con sói này, các chủ trang trại hay người dân lại không nhìn ra nó? Radford đã giải thích rằng nguyên nhân gây ra sự tranh cãi là vì những con vật ấy mắc bệnh ghẻ Sarcoptic khiến chúng rụng hết lông.
Động vật mắc bệnh ghẻ bắt đầu gầy đi và rụng lông
Bệnh ghẻ Sarcoptic bắt nguồn từ những con ve đào sâu vào da, sinh sống, tiết ra trứng và chất thải ở đấy khiến các loài động vật mất khả năng miễn dịch. Alison Diesel thuộc Đại học Texas A&M, chuyên gia về các vấn đề da của động vật đồng ý với quan điểm trên đó là căn bệnh này là nguyên nhân hình thành các con quái vật ấy. Cô giải thích thêm khi chó bị mắc bệnh này, chúng thường rụng gần hết lông, da dày và đen do sắc tố da bị biến đổi. Thêm vào đó, chúng sẽ có những vết thương lở loét do không có lớp lông bảo vệ khi chúng gãi.
Loài ve Sarcoptes là nguyên nhân gây ra bệnh này và cũng đã ảnh hưởng đến con người chúng ta vào hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên qua sự phát triển về hệ miễn dịch của con người qua chừng ấy năm đã giúp chúng ta có thể chống chọi lại với loài sinh vật này và chúng gần như vô hại đối với chúng ta. Khác với con người, ở chó, nếu như bị loài ve này xâm nhập vào người chúng sẽ bị ảnh hưởng như trên và thậm chí có thể tử vong.
Loài ve gây ra bệnh
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta đã có hình dung một cách khoa học về vẻ ngoài của chupacabra, vậy còn những vết cắn trên các gia súc và bị hút hết máu là do đâu?
Câu trả lời cực kì đơn giản. Những loài gia súc này chết do bị các động vật ăn thịt tấn công như chó hoặc các họ hàng của nó. Không có gì bất ngờ khi một con chó cắn một loài vật khác ngay cổ xong rồi bỏ đi. Thông thường, những con vật ấy sẽ xuất huyết nội dẫn đến chết nên sẽ không có một vết thương nào khác ngoài vết cắn nhỏ ấy. Nếu so sánh với ma cà rồng, Bill Schutt của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tại New York cho rằng đây không phải cách một loài động vật hút máu thực hiện.
Trên thực tế, khi so sánh các đặc điểm của loài vật hút máu như ma cà rồng hay dơi với chupacabra, chúng hầu như không có điểm tương đồng. Các loài vật hút máu sở hữu hàm răng và bộ máy tiêu hoá đặc biệt cho phép chúng có thể trích ra các chất dinh dưỡng từ máu.
Bên cạnh đó, Randford cũng giải thích thêm về hiện tượng bị rút hết máu ở các loài gia súc. Khi một con vật chết, tim và huyết áp sẽ ngừng lại. Máu sẽ chảy xuống phần thấp nhất của cơ thể và đông lại. Chính điều này khiến cơ thể chúng bị nhợt nhạt đi và mọi người nghĩ rằng chúng đã bị hút hết máu.
Chupacabra thực chất là giống chó bị mắc bệnh
Nếu như mọi chuyện đều được giải thích do các hiện tượng phổ biến gây ra vậy tại sao câu chuyện vẫn là một vấn đề ly kỳ đến tận bây giờ?
3. Những nguyên nhân sâu xa
Radford cho rằng điều này có thể liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Mỹ Latinh. Đặc biệt là ở Puerto Rico, một vùng đất bất thường không thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ. Những người ở Puerto Rico cảm thấy rằng điều này xảy ra do tác động của Mỹ lên kinh tế và mọi thứ ở hòn đảo này. Chẳng những vậy, họ cho rằng chupacabra chính là kết quả của các thí nghiệm khoa học bí mật tại El Yunque, một nơi không xa Canovanas - nơi nhân chứng đầu tiên là bà Tolentino trình báo nhìn thấy chupacabra.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc sức nóng của câu chuyện này và chưa bao giờ nguội đi đó chính là Internet. Như đã nói ở phần trên, chỉ trong vài năm, chúng ta đã có rất nhiều dị bản về ngoại hình của sinh vật này. Radford châm biếm nếu như câu chuyện đầu tiên về chupacabra xảy ra vào năm 1985 thì có lẽ nó đã không lan toả khắp thế giới như vậy.
Ngoài ra, câu trả lời cho việc bà Tolentino có thể hình dung ra một con vật như thế cũng khá buồn cười. Radford đã vô tình phát hiện ra những chi tiết bà Tolentino miêu tả giống với nhân vật người ngoài hành tinh trong phim khoa học giả tưởng Species năm 1995. Bộ phim này đã phát hành tại Puerto Rico và bà đã xem nó. Có lẽ bà đã có một chút hiểu nhầm nào đó giữa với chupacabra hoặc đây là kết quả của trí tưởng tượng phong phú.
Hiện nay, mọi người vẫn tin vào huyền thoại chupacabra và câu chuyện đã đi xa đến tận Nga hay Phillipines. Anh em có tin vào sự tồn tại của chupacabra hay không?
Theo Tinhte.vn
Xem tất cả DANH MỤC:
Khám phá