Tại sao những bức tượng Ai Cập cổ đại thường bị mất mũi?


Một điều kỳ lạ mà chắc có lẽ nhiều bạn cũng đã tự hỏi và đặt ra nhiều giả thiết cho vấn đề "Tại sao những bức tượng Ai Cập trong bảo tàng lại không có mũi". Là do chiếc mũi đã bị hư hại sau hàng ngàn năm hoặc có lẽ là do lỗi trong quá trình vận chuyển hay có một lí do nào khác dẫn đến việc "mất mũi" hàng loạt này.

Một số giả thiết được các nhà khảo cổ học đưa ra cho rằng hiện tượng này có thể là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sức mạnh của thời gian đã làm ảnh hưởng cấu trúc của những bức tượng đá. Nhiều bức tượng cổ được tìm thấy dưới những lớp đất cát và chúng đã chịu tác động quá lâu từ những tác nhân này, do vậy nhiều bộ phận đã bị hư hại. Do phần mũi nhô ra trên những bức tượng rất dễ bị hư hại và vỡ khi gặp phải các tác động mạnh. Thế nhưng không chỉ những bức tượng mà người ta còn nhận ra đến cả trên những bức phù điêu, hình vẽ vốn bằng phẳng thì chiếc mũi cũng "không cánh mà bay". Thế thì lý do không đơn giản chỉ là tai nạn ngẫu nhiên.


Bleiberg người quản lý của phòng trưng bày nghệ thuật Ai Cập tại bảo tàng Brooklyn, Mỹ đã có những chia sẻ về hiện tượng này rất có thể là hành động phá hoại có chủ đích bởi các động cơ chính trị, tôn giáo. Trong văn hoá người Ai Cập cổ đại, điều quan trọng cần lưu ý rằng người xưa tin rằng quyền năng, linh hồn con người được gắn với hình dạng cơ thể, nghĩa là linh hồn những vị thần hay người đã mất cũng có thể ở lại và cư ngụ bên trong những bức tượng được điêu khắc mang hình dạng của chính họ. Do đó, nhiều khả năng đây là hành động của việc phá hoại nhằm vô hiệu sức mạnh, linh hồn của bức tượng đó.


Cũng theo tôn giáo Ai Cập, một quy ước đã tồn tại từ rất lâu: các vị vua có nhiệm vụ cung cấp, tế nạp cho những vị thần, và đổi lại các đấng trên cao ấy sẽ bảo vệ và phù hộ cho toàn dân Ai Cập. Và những bức tượng ở đây sẽ đóng vai trò đại diện của các vị thần ở thế giới này. Bleiberg cũng chia sẽ thêm rằng những bức tượng bị hư hỏng sẽ không còn chức năng nữa. Bởi người xưa quan niệm nếu bức tượng không còn mũi, linh hồn bên trong sẽ không thể thở và biến mất, còn nếu thiếu tai, bức tượng sẽ không thể nghe được lời cầu nguyện của người dân. Thiếu tay thì linh hồn thần cư ngụ trong bức tượng không thể làm nhiệm vụ của mình cũng như không thể nhận cống phẩm.

Những bức tượng được trưng bày trong bảo tàng đa phần được tìm thấy trong các ngôi mộ và đền thờ xưa với mục đích nghi lễ. Những bức tượng đó có thể là đại diện cho những vị thần, vị vua, hoặc các tầng lớp cao trong xã hội. Người Ai Cập xưa thường đem các lễ vật, đồ cúng tế, thức ăn để nuôi những người quá cố ở thế giới tiếp theo, hay còn gọi là "thế giới vĩnh hằng" theo văn hoá Ai Cập. Bởi thế những kẻ làm ra chuyện này chính là những tên trộm. Vào thời kỳ Pharaonic, người xưa rất tin vào quyền năng của những bức tượng, ngay cả những tên trộm mộ nho nhỏ, chúng muốn lấy đi những tế phẩm quý giá, nhưng cũng rất lo ngại những người đã mất có thể trả thù, bởi thế chúng huỷ đi phần mũi để linh hồn không thở được rồi biến mất.


Sự việc này ngày càng phổ biến và nhiều lo lắng về việc mạo phạm các vị thần bắt đầu xuất hiện, các Pharaoh thời bấy giờ thường xuyên ban hành nhiều sắc lệnh kèm các hình phạt kinh khủng để răn đe những kẻ có hành vi báng bổ. Người Ai Cập cổ đại cũng thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ những bức điêu khắc của mình, họ đặt những bức tượng vào hốc sâu trong các đền thờ, lăng mộ để tượng được bảo vệ bởi 3 bức tường, thậm chí còn xây thêm bức tượng chắn phía trước chỉ đục khoét 2 hốc mắt nhỏ. Thế nhưng chúng thật sự không hiệu quả, bằng chứng là vẫn rất nhiều bức tượng bị mất mũi.

Hiện tượng những bức tượng mất mũi không chỉ xảy ra ở Ai Cập mà còn xuất hiện ở Hy Lạp, La Mã. Giải thích cho sự tương đồng này, chuyên gia sử học tại Đại học Nottingham, Anh - Mark Bradley cho hay, tuy hành động có vẻ giống nhau, thế nhưng về mặt ý nghĩa là khác nhau, việc phá hoại mũi ở những quốc gia này không mang ý giết chết linh hồn bên trong mà biểu thị cho hành vi nhạo báng danh dự.
Theo Tinhte.vn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Tin tuc ThangLongPro.vn
Màng PE - Màng chit