Sau cú phóng lịch sử tối qua theo giờ địa phương, hiện tại, 3 phi hành gia của NASA - Mike Hopkins, Victor Glover và Shannon Walker - cũng như Soichi Noguchi đến từ Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã bước vào quỹ đạo để tiến về Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Ngay sau khi đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo, tên lửa Falcon 9 cũng đã đáp an toàn về lại một sà lan đậu sẵn ngoài Đại Tây Dương. Sứ mệnh mang tên Crew-1 lần này đánh dấu lần đầu tiên tàu Crew Dragon chính thức đi vào hoạt động thương mại. Tự hào của SpaceX đối với Crew Dragon đó chính là khả năng tự động ghép nối với trạm vũ trụ mà không cần bất kỳ sự điều khiển nào của con người.
Trên thực tế, thành công ngày hôm nay cũng như chiến tích cách đây 6 tháng của SpaceX được đánh giá là dấu mốc trong lịch sử hàng không vũ trụ khi lần đầu tiên, một công ty tư nhân có đủ tiềm lực để sản xuất phương tiện đưa con người lên không gian. Đó là bước tiến không thể quên trong nỗ lực kéo dài suốt 9 năm qua của lịch sử ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nước Mỹ. Kỳ thực, thảm hoạ xảy ra với tàu con thoi Challenger và Columbia là bài học đau thương vẫn luôn ám ảnh các kỹ sư và những người làm việc tại NASA.
Gần như xuyên suốt lịch sử phát triển của NASA, tổ chức này luôn chịu trách nhiệm ở khâu tự phát triển tàu vũ trụ để đưa phi hành gia của mình lên không gian. Ngoài ra, trong sứ mệnh mới, mọi thứ về bản chất đúng nghĩa theo kiểu cây nhà lá vườn khi giờ đây, họ không còn phải phụ thuộc vào tên lửa của bất kỳ quốc gia nào khác.
Kể từ khi chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Space Shuttle được thực hiện vào năm 2011, NASA đã phải dựa vào tên lửa Soyuz của Nga để đưa phi hành gia lên ISS. Đó là lựa chọn duy nhất mà NASA có, một lựa chọn vô cùng tốn kém. Mỗi ghế ngồi trên Soyuz có giá khoảng 80 triệu đô la và với Crew Dragon, con số đó giảm xuống còn 55 triệu.
Nguồn: tinhte.vn