Những người bạn láng giềng của chúng ta, dân tộc Khmer và Java ở Indonesia đã được cập nhật vào Civilization 6 suốt từ năm 2017, nhưng mãi đến giờ, bản cập nhật tháng 1 của New Frontier Pass mới đưa dân tộc Việt Nam vào trong game, với sự hiện diện của Bà Triệu, bên cạnh Hốt Tất Liệt, người sáng lập triều đại nhà Nguyên.
Nhưng mình khá chắc chắn, bài viết này anh em cũng chẳng quan tâm tới Hốt Tất Liệt đâu, vì vị lãnh tụ đầu tiên là nội dung quan trọng nhất. Sau khi vào vai hết những vĩ nhân của nhiều quốc gia, từ Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Anh, Ai Cập, Brazil, Ả Rập,… thì giờ chúng ta mới được xây dựng một nền văn minh của chính chúng ta. (Mà kể ra nếu màn chơi có Hốt Tất Liệt, đòi gây chiến với Việt Nam thì cũng hay, chiến luôn sợ gì, nhưng trận mình chơi không có).
Có lẽ, thứ hay nhất là Civilization 6 đem lại khi cập nhật dân tộc Việt Nam chính là khả năng tạo ra một thực tại khác, dù rất đơn giản và mang tính giải trí. Đấy là một thực tại khi chúng ta, những con người yêu hòa bình, chăm chỉ làm ăn, sẽ phát triển tới đâu trong một điều kiện lý tưởng, khi không bị ách đô hộ kìm kẹp suốt cả ngàn năm. Kết quả, Việt Nam trở thành cường quốc, nhưng không phải vì quân sự, mà nhờ kinh tế.
Chơi mất năm sáu tiếng đồng hồ, những tài nguyên trong màn chơi biến “Việt Nam giả tưởng” trở thành một thế lực xuất nhập khẩu, với những loại nông sản từ gia vị, cà phê đến chè. Cùng lúc, sự bình yên khi không ai kiếm ra được lý do gây chiến với Bà Triệu giúp những thành phố mình sở hữu có được cả những ngôi trường, những khu chợ sầm uất, cùng lúc tăng sức mạnh kinh tế và khoa học.
Đầu tiên phải kể đến những thay đổi độc đáo chỉ riêng Việt Nam trong Civilization 6 sở hữu. Thứ nhất, hãng game tạo ra một dân tộc có đầy đủ những kỹ năng để “nuôi rùa”, không cần phải đi chiếm đóng hay chinh phạt đất nước nào khác để phát triển, một khi đã tìm được địa điểm xây dựng thành phố hợp lý, đủ tài nguyên và gần nguồn nước ngọt.
Kỹ năng “Đánh đuổi giặc ngoại xâm” của Bà Triệu tạo ra lợi thế cực lớn, cộng sức mạnh tấn công cho các đơn vị quân đứng trên địa hình rừng già, rừng nhiệt đới và đầm lầy. Bản thân các đơn vị quân của Việt Nam trong lãnh thổ của họ cũng có tầm di chuyển mỗi lượt xa hơn. Kỹ năng này giúp biến Việt Nam thành một dân tộc tập trung vào phòng thủ rất mạnh trong game. Những thành phố của Việt Nam có thể xây Thành, công trình phòng thủ thay thế cho Encampment cơ bản, mà không bị yêu cầu dân số ảnh hưởng. Điều này lại giúp early game, Việt Nam phòng thủ rất mạnh.
Nhưng ở khía cạnh ngược lại, kỹ năng còn lại của Bà Triệu là “Đồng bằng sông Cửu Long” chỉ cho phép xây dựng những khu vực chuyên biệt như chợ, thành trì hay trường học ở những địa hình rừng nhiệt đới hay đầm lầy. Nếu khởi đầu game ở địa hình sa mạc, thì anh em sẽ gặp khó khăn rất nhiều. May mắn thay, trận đấu mình bắt đầu với Bà Triệu, địa hình lại quá lý tưởng:
Như anh em thấy đấy, vẫn là những địa danh có thật, nhưng hãng game đã tự tin tạo ra những chi tiết hư cấu nhìn rất vui, để tạo ra cân bằng cho màn chơi. Sông Hồng và sông Đà ở cạnh nhau, cái này cũng đúng, nhưng chèn giữa là vùng đồng bằng với… ngọn núi lửa Toroeng Prong ở Tây Nguyên. Nhìn sang bên phải bản đồ, cạnh sông Đà là… bãi cát Mũi Né, nhìn xa ra biển nữa là vịnh Hạ Long. Chính ra Civilization 6 trước giờ vẫn vậy. Họ tìm ra những cái tên địa danh rồi xếp ngẫu nhiên lên bản đồ. Vậy nên mới có tình trạng sông ở phía Bắc nằm ngay cạnh núi lửa Tây Nguyên. Thôi thì game thư giãn mà, không cần chính xác lắm, vui là được.
Thậm chí Bà Triệu sống ở thế kỷ thứ III sau Công Nguyên, có hàng xóm là Saladin thế kỷ XII, và Tomyris sống ở thế kỷ thứ 6 TCN. Xa xa là bà hoàng Wilhemina xứ Hà Lan thế kỷ XIX. Những khoảng thời gian quá xa ấy chỉ khiến game thư giãn hơn, chẳng mấy ai phàn nàn về sự chính xác của lịch sử. Nếu muốn chính xác, có lẽ anh em đã tìm đến Europa Universalis 4 hay Total War, thay vì Civ.
Khám phá ra Vịnh Hạ Long, thơ Nguyễn Trãi được dịch sang tiếng Anh mà mình cũng chẳng nhận ra là bài gì, không phải “Vân Đồn” (Lộ nhập Vân Đồn sơn phục sơn, Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan.) Anh em đọc sub Anh mà nhận ra đây là bài nào thì giúp mình với.
Ở một khúc ngoặt trớ trêu khác, thì thiên tai cứ hoành hành một cách thường xuyên, và game mô tả hậu quả của thiên tai bằng những hệ quả của lũ lụt, nước biển dâng theo cách ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình chơi game và phát triển thành phố của anh em. Những hậu quả đó dĩ nhiên không khiến mọi người nao lòng như những hình ảnh chiếu trên truyền hình, nhưng cũng tệ chẳng kém: Công trình bị hủy hoại, thậm chí có khả năng gây giảm dân số ở thành phố ấy.
Bù lại, khi đã hiểu về lối chơi giúp Việt Nam phát triển mạnh nhất, cũng như dựa vào những tài nguyên trên bản đồ để phát triển những bước đầu tiên hợp lý nhất (chọn giữa khai mỏ, trồng trọt và chăn nuôi), thì tốc độ phát triển kinh tế của dân tộc trong game là rất nhanh và mạnh. Tốc độ ấy khủng khiếp đến mức, anh em thả sức nghiên cứu khoa học, chính trị để tạo ra bộ máy nhà nước vận hành mượt mà nhất. Mượt cỡ nào? Lấy ví dụ đến năm 1170, nghĩa là thời nhà Lý theo sử sách, mình đã có lính cầm súng musket đi đấu với bọn Barbarian chỉ có cầm gươm và giáo. Nói cách khác là, chả ngại đứa nào cả:
Ở khía cạnh vừa chân thực về mặt thực tiễn, nhưng vô cùng hư cấu về mặt lịch sử, Việt Nam cũng dễ bị những tôn giáo khác du nhập và gây ảnh hưởng. Trong màn chơi của mình, hai người bạn láng giềng vui tính là Saladin của Ả Rập ở phía tây nam, và nữ vương Tomyris xứ Scythia ở phía tây bắc. Sự hài hước của game xuất hiện, khi dù vương quốc của Saladin vẫn theo đạo Hồi, thì Scythia lại… theo Đạo giáo. Thế là Việt Nam bị kẹp giữa hai luồng văn hóa tín ngưỡng ở phía Bắc và phía Nam.
Dù sao thì điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều nếu anh em lo ngại về việc đối phương sẽ giành chiến thắng về mặt tín ngưỡng, vì trong khi mỗi thành phố lại theo một tôn giáo chính, điều đó gần như chẳng ảnh hưởng gì đến mức độ trung thành của từng thành phố, và tốc độ phát triển kinh tế cả. Có một điều cần cân nhắc chính là, lập thành phố quá xa so với trung tâm, quá xa so với “triều đình”, mức độ trung thành sẽ bị ảnh hưởng theo từng lượt. Ấy thế nên mới có cái ảnh ở dưới, “thánh địa” Medina bị ảnh hưởng vì xa “thủ đô” quá, rồi bị sự giàu có của Việt Nam ảnh hưởng, thế là tự tuyên bố trở thành một phần của đất nước, mình không cần phải đem quân sang chinh phạt luôn.
Nói một cách công bằng, nếu chưa chơi những phiên bản trước đây của Civilization, hay chưa chơi nhiều những game chiến thuật dạng 4X, rất dễ ngợp khi bắt đầu với Civ 6. Lý do là ngay từ lúc bắt đầu game, anh em sẽ bị cuốn vào rất nhiều những chỉ số và thông tin với tầm quan trọng ngang bằng như nhau. Tìm đất ở đâu xây dựng thành phố cho nhiều tài nguyên, dân chúng phát triển thoải mái? Mở rộng đất đai ở đâu để không kèn cựa với những nền văn minh khác dẫn đến xung đột? Làm thế nào để mỗi thành phố đều có tốc độ phát triển ngang bằng, không có chỗ thiếu thực phẩm, chỗ còn lại thì thiếu phương tiện giải trí, học hành, tôn giáo? Làm thế nào để mở rộng giao thương với những vùng lãnh thổ khác, vừa trao đổi văn hóa vừa kiếm nguồn tiền bền vững qua từng thời kỳ? Làm thế nào để “chiều” từng ông hàng xóm, khi mỗi ông lại có một tư duy ngoại giao khác nhau?
Đó chính là những câu hỏi mà Civ 6 bắt anh em phải giải đáp, và những người chơi mới khởi đầu (như mình) ngợp là điều đương nhiên. Nhưng may mắn thay trong khoảng 200 lượt chơi đầu tiên, ở độ khó trung bình, anh em sẽ không phải nghĩ nhiều về “chiến thắng”. Mà thay vào đó, anh em sẽ đưa dân của mình tìm đến những vùng đất mới để xây dựng thành phố, phát triển những tài nguyên có sẵn như khai mỏ, xây nông trại, đồn điền khai thác những tài nguyên quý giá, xây dựng quân đội và những công trình phục vụ từng thành phố, chiến nhau nếu phải làm, và trên hết là xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước khác.
Và với dân tộc của chúng ta, mới được cập nhật vào game, điều này cũng không khác biệt. Chỉ khác là một khi đã chọn được những địa điểm lý tưởng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, vì Việt Nam là tộc “nuôi rùa” rất khỏe, không phải đi gây chiến để chiếm lãnh thổ, không phải quá mệt mỏi để phòng thủ đất nước, từ đó tha hồ thời gian và tính toán để phát triển kinh tế và khoa học xã hội. Cái cảm giác nghe câu nói “Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ” của Bà Triệu cũng phải gọi là sởn gai ốc, dù về cơ bản cũng chưa thấy ông hàng xóm nào trong game dám liều mạng xâm lược Việt Nam, kể cả cái bà hàng xóm chỉ chực nhăm nhe trở thành đế quốc, hoàng hậu Wilhemina xứ Hà Lan dưới đây. Bà này chỉ dám gây chiến với Ả Rập chứ chưa thấy dám sang Việt Nam làm càn.
Thứ kết nối tất cả những chi tiết gameplay rất sâu và rộng của Civ 6 chính là bản đồ của game. Những thành phố, mỏ quặng, khu vui chơi giải trí, trường đại học và đền thờ tôn giáo của trò chơi dù mang phong cách đồ họa hoạt hình vui tươi nhưng lại sống động hơn hẳn tất cả những phiên bản khác của serires này. Những câu thoại khi mở khóa được những nghiên cứu mới, những phát kiến mới của Sean Bean vừa đem lại cảm giác an bình, vừa nhấn mạnh được bước đường phát triển hơn 5.000 năm của nhân loại, từ khi vườn treo Babylon được xây dựng cho tới khi con người phóng tàu vũ trụ để chinh phục Chị Hằng.
Ở bản cập nhật này, một nâng cấp rất hay trong gameplay là Corporations & Monopolies, khi anh em có thể tạo ra một thị trường độc quyền của nhiều ngành hàng, khi đã sở hữu và thành lập được những nguồn tài nguyên trên bản đồ, ví dụ như cà phê, chè và gia vị. Những “công ty” này, phụ thuộc vào tài nguyên, sẽ tăng điểm khoa học, văn hóa, vàng, năng suất lao động, hay thậm chí là cả dân số. Có lẽ, điều này cũng mô tả đúng bản chất chăm chỉ của người Việt, hay lam hay làm, mà tay làm thì hàm nhai thôi.
Dựa theo trải nghiệm của mình, Bà Triệu và Việt Nam là một nền văn minh ở tầm dễ chơi, với điều kiện anh em kiểm soát tốt những nguồn tài nguyên xung quanh, và biết chọn địa hình để phát triển các thành phố lớn. Đây không phải nền văn minh dễ chơi nhất trong Civilization 6, không dễ gì giành chiến thắng về mặt văn hóa, tôn giáo hay quân sự như nhiều nền văn minh khác, nhưng trong lúc chơi thì cảm giác rất vui và thư giãn, nhất là lúc được nghe “Trống Cơm” và “Lý Kéo Chài” được phối theo phong cách vô cùng hoành tráng.
P.W - Tinhte.vn