Theo nhiều báo cáo thì tình trạng thiếu hụt card đồ họa sẽ kéo dài đến hết năm 2021 bởi thị trường tiền mã hóa vẫn chưa có xu hướng giảm nhiệt trong khi vấn đề về thiếu hụt chất bán dẫn vẫn chưa được giải quyết. AMD và Nvidia đều chịu chung tình trạng này dù mỗi bên sử dụng một nhà sản xuất bán dẫn riêng, AMD dùng dây chuyền TSMC 7nm để sản xuất cả CPU Zen 3 lẫn GPU Radeon RX 6000 series trong khi Nvidia khai thác dây chuyền 8nm của Samsung cho dòng GeForce RTX 30 series dùng kiến trúc Ampere.
Vài tháng trước thì Nvidia đã tiết lộ kế hoạch hồi sinh dòng RTX 2060 kiến trúc Turing cũng như GTX 1050 Ti kiến trúc Pascal vốn sử dụng các tiến trình cũ hơn của TSMC hướng đến phân khúc OEM và DIY, tức các hãng làm máy tính lắp sẵn từ đó giảm áp lực cho phân khúc phổ thông. GTX 1650 vẫn là dòng card đồ họa bán chạy, Nvidia vẫn chưa ngưng sản xuất và hãng chỉ đơn thuần là tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối.
Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết sản lượng của dòng GTX 1650 được kỳ vọng sẽ tăng trong tháng 4 này. GTX 1650 dùng GPU TU117 và với thế hệ G6 thì nó có 896 nhân CUDA, xung nhịp 1590 MHz, có 4 GB GDDR6 12 Gbps kết nối với bus 128-bit. Với TDP chỉ 75 W, GTX 1650 đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng phổ thông, game thủ bình dân.
Trên Steam, dòng card GTX 1650 ngày càng trở nên phổ biến hơn khi tính đến tháng 3 vừa qua, có 5,34% người dùng Steam sử dụng GTX 1650, chỉ xếp sau GTX 1060 và GTX 1050 Ti. Giá của những chiếc card GTX 1650 hiện vào khoảng 400 USD, cao hơn 2,5 lần so với giá bán lẻ đề nghị 149 USD khi nó được ra mắt.
Nguồn: Wccftech
Theo bk9sw - Tinh tế