Thêm một bằng chứng cho thấy HarmonyOS thực chất chỉ là Android.
Sau lệnh cấm của Chính phủ Mỹ hồi giữa năm 2019, Huawei đã gặp nhiều hạn chế trong việc hợp tác các công ty Mỹ, trong đó bao gồm Google. Điều này khiến cho Huawei không còn sự hỗ trợ từ Google trong việc đưa các phiên bản Android mới, cũng như tích hợp các dịch vụ Google lên thiết bị của mình.
Để đáp trả, cũng trong năm 2019, Huawei tuyên bố phát triển hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS. Phiên bản đầu tiên của HarmonyOS không được Huawei phân phối rộng rãi và chỉ xuất hiện trên một số thiết bị IoT (ví dụ như TV). Thế nhưng ở phiên bản thứ 2, HarmonyOS đã chính thức được Huawei phát triển cho smartphone, và hiện đã có phiên bản beta cho một số thiết bị như P40 hay Mate 30.
Ngay lập tức, một số lập trình viên thử nghiệm HarmonyOS đã phát hiện rằng hệ điều hành này của Huawei thực chất chỉ là một phiên bản Android "trá hình". Không chỉ có giao diện gần như tương đồng so với EMUI (lớp giao diện trên nền Android mà Huawei đã sử dụng trong suốt nhiều năm qua), HarmonyOS còn "thừa hưởng" cấu trúc hệ thống hay ứng dụng. Thậm chí, bộ phát triển ứng dụng (SDK) của HarmonyOS cũng sử dụng rất nhiều thành phần từ Android.
Và mới đây, chúng ta đã có thêm một bằng chứng nữa nhằm chứng minh cho nhận định này.
Một người dùng tại Trung Quốc sử dụng chiếc Mate 40 Pro+ đã quyết định nâng cấp từ Android lên phiên bản thử nghiệm của HarmonyOS. Trước đó, anh này có cài đặt một số ứng dụng Google, trong đó bao gồm cửa hàng ứng dụng Play Store.
Thế nhưng, sau khi lên HarmonyOS, các dịch vụ Google vẫn có thể sử dụng được. Thậm chí, anh này còn có thể sử dụng Play Store để tải về cũng như cập nhật các ứng dụng. Với việc Google không cho phép Play Store có thể chạy trên bất kỳ nền tảng nào khác ngoài Android, có thể một lần nữa thấy rằng HarmonyOS của Huawei thực chất vẫn chỉ là Android, chứ không phải một nền tảng mới hoàn toàn.