Minh Râu - Không "sin" ai và lời thú nhận làm từ thiện để cứu rỗi chính mình



Trục lợi giữa lúc dịch bệnh tôi không làm được

-Tô Lan Hương: Karl Marx có một câu nói rất nổi tiếng thế này: "Khi lợi nhuận lên đến 300%, nhà tư bản có thể đem treo cổ chính họ". Với người làm kinh doanh, tiền mãi mãi là lẽ sống. Nên những ngày vừa rồi, khi anh nổi tiếng khắp mạng xã hội từ Nam ra Bắc vì những content bán rau khiến người ta cười nghiêng cười ngả, tôi đã chú ý đến anh. Anh giữ nguyên giá bán và luôn có một sọt rau miễn phí dành tặng cho công nhân nghèo, nhập hàng chục chuyến xe chở rau cho các khu cách ly với giá gốc. Anh quả là một thương nhân kỳ lạ…?

Minh Râu: Thế nên suốt đợt dịch bệnh, giãn cách xã hội vừa rồi, nhiều anh em làm ăn chung nhắn tin cho tui, khoe lợi nhuận mỗi ngày tăng gấp đôi, gấp ba và mắng tui dại dột. Tui đều bảo họ là ai cũng có phước phần của mình, cũng có lẽ sống. Tui cũng yêu tiền lắm chớ, nhưng tui nghĩ kiếm tiền là chuyện cả đời.

Đợt dịch này nếu tui học theo người khác tăng giá, có thể thay vì 3 triệu tiền lời mỗi ngày, tui sẽ kiếm được 10 triệu. Nhưng tui lại nghĩ: Với người giàu có, khá giả, việc tui tăng giá vài nghìn đồng một mớ rau trong dăm ba tháng cũng không  ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ. Nhưng với những người công nhân thu nhập vài triệu mà còn phải lo con cái ăn học, lo bố mẹ già ở quê, lo tiền phòng trọ, thì họ sẽ không chịu đựng nổi.

Gia đình tui có hai sạp rau nằm quanh Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai), toàn bán cho công nhân là chính. Nhờ họ mà bao năm nay tui nuôi được vợ con, gia đình, mua được nhà cửa, đất đai. Tui nỡ lòng nào mà vào lúc dịch bệnh này, vì đi trục lợi vài triệu bạc mà làm họ thêm cực khổ. Tui thích tiền nhưng không làm người kiểu đó được.

Nhưng cô cũng đừng nghĩ tui là người tốt. Tui có vấp ngã, sai lầm và cũng có những lý do cá nhân cho những việc mình làm.

Dùng tiền lời tặng rau cho người nghèo thay vì đi đánh bạc

-Tô Lan Hương: Và lý do ấy là…?

Minh Râu: Thật ra tui làm việc này 8 năm nay rồi, công nhân khắp khu này ai cũng biết, nhưng không hiểu sao từ năm ngoái đến năm nay lại trở nên nổi tiếng đến vậy.

Nhà tui ngày xưa khó lắm, bố mẹ là nông dân nghèo, gia đình đông con trai, người thì tù tội, người công ăn việc làm không ổn định. Hồi tui đi học cơ khí ở Đồng Nai, mỗi tháng mẹ cho tui 120 ngàn: 60 ngàn tiền phòng trọ, 20 ngàn tiền điện nước, 40 ngàn tiền ăn… nên lúc nào tui cũng đói.


Tui phải đi làm ở quán, rồi ăn cơm thừa người ta để lại. Thi thoảng hết tiền, tui phải giở mánh mung kiếm cớ sang phòng trọ của bạn đúng giờ cơm để được ăn nhờ, nhưng ăn trực nhiều quá ắt bị đuổi. Tui không nhớ là vì sao, nhưng có đợt quán ăn đóng cửa, 3 ngày liền tui không có gì vào bụng. Tui lết sang phòng trọ của một bà già cạnh đó, gõ cửa xin ăn. Bà ấy úp cho tui một gói mì tôm, ngon đến mức vừa ăn vừa khóc. Liền cả tháng trời sau đó, ngày nào bà cũng cho tui một gói mì tôm.

Sau này tui cưới vợ, đẻ con, mở sạp rau buôn bán. 

Hồi 2008-2009, mỗi ngày tui cũng thu lời được 1 đến 1,5 triệu. Nhưng tui lại mê bài bạc. Có vợ con rồi nhưng quậy lắm. 2-3 giờ sáng tui dậy đi lấy hàng rồi về bán, bán xong là lao đến chiếu bạc chơi cả đêm, có khi chẳng ngủ. Ngày nào thua nhiều quá, tui sẽ nghỉ bán. Ngày nào thắng nhiều quá, tui cũng nghỉ bán luôn, kiếm được nhiều tiền rồi, tội gì phải chịu cực. Nên dù sạp rau kiếm được không ít tiền, mà hai vợ chồng lúc nào cũng nợ.

Nhưng có một lần tui thua nhiều lắm, thua đến vài trăm triệu. Tui bỏ nhà đi bụi mấy ngày, đã có lúc tuyệt vọng đến mức muốn nhảy sông tự tử. Nhưng tui nhớ lại những năm sinh viên nghèo đến mức phải đi xin mì tôm để ăn cho qua cơn đói, rồi lại tự hỏi tại sao mình lại thành ra nông nỗi này: Có thể đánh bạc một đêm hết mấy chục tấn rau, hết cả trăm ngàn gói mì tôm?

Đó là bao nhiêu bữa ăn của người nghèo khó, tui không tính nổi nữa. Lúc quy tiền thua bạc ra mì tôm, tui mới ngẩn người, mới thanh tỉnh và khao khát làm lại từ đầu. Thế là tui về nhà, một là nói với người cho vay tiền cho con đường sống để trả nợ, hai là xin lỗi vợ con, tu chí làm ăn, chuyên tâm bán rau chứ không đánh bạc nữa.

Tui tu chí từ ngày đó cho đến tận hôm nay.

Anh Minh Râu tặng rau miễn phí đã 8 năm nay và được nhiều người biết tới.

Ngày trả xong nợ, tui rơm rớm nước mắt, như là quăng được tảng đá ngàn cân đè trên ngực mình đi vậy. Nhưng tui cũng sợ mình ngựa quen đường cũ. Tui tự nhận mình cũng không tốt đẹp gì. Sợ mình rảnh quá lại bài bạc, tui bắt đầu mở sạp rau thứ hai, còn sạp đầu tiên để vợ bán. Tui tự hứa với mình, thay vì chơi bài bạc, mỗi tháng tui sẽ dùng 10-30% lợi nhuận của mình để giúp đỡ người xung quanh.

Mỗi ngày vợ chồng tui lời 2,5 đến 3 triệu đồng nên tháng nào ít cũng dùng 7 triệu đến 10 triệu, nhiều thì 15 triệu đến 20 triệu để mua rau tặng người nghèo quanh khu công nghiệp. Lúc bắt đầu chỉ nghĩ sẽ làm vài tháng, coi nó như một cách răn mình, làm mình tử tế lên, chứ không nghĩ mình sẽ bền bỉ được lâu như vầy.


Nhưng làm rồi mới thấy thật hạnh phúc, hóa ra làm cho người khác vui mà cũng có thể khiến mình vui như vầy. Nên không biết là tui giúp người ta hay người ta giúp tui nữa. Tui chỉ nghĩ rằng, họ nhận được một bó rau miễn phí thì họ sẽ tiết kiệm được vài nghìn, có một bữa cơm nhiều thịt hơn và có một niềm vui nho nhỏ. Nhưng người giúp họ là tui thì nhờ đó mà cứu giúp chính cuộc đời mình.

-Tô Lan Hương: Vì sao với anh, sự cho đi lại là cứu rỗi chính bản thân mình?

Minh Râu: Thời còn đam mê bài bạc, tui chỉ nặng 47 kg. Đến bây giờ đã tăng một lèo lên 70 ký vì đầu óc thanh thản, ăn no, ngủ đủ. Ngẫm lại thì bạn bè tui quen trên chiếu bạc ngày xưa, cuộc đời đều tan nát cả rồi. Có người ăn trộm, ăn cắp, có người tù tội, có người vì thiếu vài chục triệu mà cướp của, giết người, bị tuyên tử hình.

Bây giờ mỗi tháng tui dành một hai chục triệu để mua rau miễn phí tặng công nhân nghèo, nhưng tui sẽ bận rộn hơn, lương thiện hơn, không có thời gian đi đánh bạc nữa. Tiền dư được tui đi mua đất mua nhà. Nên kể từ đó tới giờ, 8 năm làm rồi, tui đã mua được một ngôi nhà và 2 mảnh đất 8 tỷ, dù vẫn nợ ngân hàng 2 tỷ, nhưng cuộc sống tốt hơn cả trăm lần so với trước kia.

Cứ tưởng tượng nếu tui không mở thêm một sạp rau rồi giúp người khác, biết đâu tui lại có nhiều thời gian rảnh, lại sa chân vào bạc, tui sẽ thua nhiều hơn số tiền kiếm được, sẽ không có đất đai, nhà  cửa, có khi còn bị vợ bỏ, rồi tan nát như bạn bè cũ của mình. Thế mới biết, hóa ra làm người khác tốt hơn một thì có khi mình tốt hơn 100 lần. Tui nói cứu rỗi chính mình chính là vì lẽ đó.


Bao năm qua người ngoài không ít người không hiểu, họ mắng tui ngu, mắng tui dại dột. Chỉ có vợ tui là ủng hộ hết mình.

Cô ấy hay nói: "Bố mày cứ sống thế này mẹ mừng. Tiền bạc chỉ cần đủ ăn đủ sống, một phần bố mày giúp người, một phần nuôi vợ con, dư chút đỉnh là được rồi , cuộc đời thế là đủ mãn nguyện. Tui cũng giống vợ tui, thấy cuộc đời như thế này đúng là mãn nguyện.

Tui mang ơn cuộc đời này nhiều lắm, kể cả người cho vay lãi đã mở cho tui một con đường sống


-Tô Lan Hương: Khi giúp đỡ người khác, anh mong chờ điều gì: Là sự báo đáp hay sự thanh thản của trái tim mình?

Minh Râu: Ngày Tết thi thoảng có người công nhân chạy qua nhà tui tặng gói bánh, gói kẹo. Bữa sáng tui đi ăn hàng thi thoảng sẽ được ai đó bao ăn. Nhưng thật ra tui không chờ ai báo đáp cả. Vì chính tui cũng từng được không biết bao người cưu mang và mang ơn họ suốt đời: Tui biết ơn bà lão ở phòng trọ bên cạnh thời tui còn là sinh viên, không con không cái, không nhà không cửa, sống bằng tiền trợ cấp nhưng vẫn cho tui ăn mì tôm mỗi sáng. Không có mấy gói mì tôm đó, có khi tui chết rồi.

Tui biết ơn cả người cho tui vay tiền đánh bạc lấy lãi, nhưng khi tui đường cùng đã đồng ý cho trả nợ dần dần mà không tính lãi - nếu người ta không chịu cho tui khất nợ, có lẽ tui nhảy cầu tự tử rồi.

Hay ông chủ mặt bằng tui thuê bán rau củ cả chục năm nay. 6 năm trước, giá thuê mặt bằng 7 triệu một tháng, nhưng có người quen đã đòi trả giá gấp đôi để thuê lại kinh doanh mà ông ấy không đồng ý. Bây giờ tui trả 13 triệu một tháng, lại có người đến ra giá gấp đôi, gấp ba, ông ấy cũng không chịu.


Ông ấy bảo với tui: "Tiền không là vấn đề. Chú mày sống tử tế thì cứ để chú mày thuê. Khi nào anh phá sản thì anh mới đòi lại". Không có ông ấy, có lẽ tui không buôn bán phát đạt như hôm nay. Nên với cuộc đời này, tui cũng mang ơn nhiều lắm, báo đáp thế nào cũng không đủ. Mà làm người có lẽ chỉ mong mình càng ngày càng giàu để giúp đỡ người khác, chứ ai hy vọng sẽ có ngày mình khó khăn để người ta báo đáp mình đâu?!

-Tô Lan Hương: Giờ anh còn nợ ngân hàng 2 tỷ. Nếu cộng số tiền 15-20 triệu mỗi tháng mà anh bỏ ra cho sọt rau miễn phí của mình suốt 8 năm qua cũng gần bằng số tiền nợ ngân hàng rồi. Người bình thường sẽ lo cho mình trước khi đi lo việc thiên hạ mới phải…?

Minh Râu: Nếu giờ tui có một cục tiền 2 tỷ mà bảo mang đi giúp đỡ người ta thì tui không làm nổi đâu, tiếc tiền lắm. Nhưng nếu mỗi ngày tui cho đi vài trăm ngàn thôi, tui lại thấy hết sức khoan khoái, vui vẻ, vì nó vừa sức mình. Tui chưa giàu, vẫn còn nợ ngân hàng, nhưng chẳng phải vì thế mà không thể giúp người.

Nếu để đến lúc giàu mới giúp người, thì có khi cả đời này đợi hoài, đợi mãi cũng không đợi được. Nên tui chọn làm theo khả năng của mình, không tham vọng gì lớn lao, không hô hào ai làm cùng, chỉ giúp đỡ người xung quanh khó khăn hơn mình… mỗi ngày giúp đỡ chút đỉnh. Chính vì trong khả năng của mình nên tui có thể làm hoài, làm mãi, suốt 8 năm qua vẫn làm được.


Tô Lan Hương: Chắc không ít người chê anh khờ dại nhỉ?

Minh Râu: Thi thoảng lại có người "mách" với tui: "Minh Râu ơi, nhiều người đến xin rau nhà mày còn giàu hơn mày nhiều".

Nhưng tui không bận tâm điều đó mà lựa chọn vui vẻ. Có thể đôi khi có những người giàu thật, nhưng vẫn thích lấy đồ miễn phí. Nhưng tui tin vào sự tử tế của con người. 90% người lấy rau miễn phí ở cửa hàng nhà tui 8 năm qua là công nhân thật. Họ nghèo thật! Đi xe tay ga mua rau cũng chưa chắc là người có tiền, biết đâu đó là xe đi mượn thì sao? Ai dám bảo người lái ô tô là chủ xe mà không phải là tài xế chạy thuê?

Tui chỉ la lối khi có người đến lấy rau rồi hồn nhiên khoe là mang về cho heo ăn, đó là sự xúc phạm với tui và cả những người được tặng rau. Rau tui đi tặng không bao giờ là rau cũ, rau ế, bao giờ cũng phải đẹp như rau tui bán, được tui chọn từng mớ ở chợ đầu mối. Vì tôi tôn trọng những người đến xin rau về ăn.


Đôi dép cọc cạch, đôi giày nike chỉ dám mơ ước vì tiếc tiền và định nghĩa về những đồng tiền được tiêu xứng đáng

-Tô Lan Hương: Cả gia đình anh sống trong một ngôi nhà đơn giản, đôi dép trên chân anh một xanh, một hồng,….anh không thấy mâu thuẫn khi thoải mái giúp đỡ người khác mà lại bỏ bê chính mình?

Minh Râu (cười): Có lẽ vì đã từng đốt tiền trên chiếu bạc nên giờ tui dị ứng nhất là lãng phí. Cái áo tui đang mặc giá 700 ngàn là cái áo đắt nhất của tui, mua xong tiếc ngẩn ngơ mấy ngày.


Tui rất thích giày thể thao của Nike, nhưng không hiểu sao bao lần vào shop giày rồi, ngắm nghía một lúc, tui lại thôi, vì tui thấy lãng phí. Tui nghĩ một kẻ xỏ dép quanh năm sẽ chẳng mấy khi dùng đến đôi giày đó, bỏ ra mấy triệu thật không đáng. Tui dư sức ăn bát phở sáng 50 ngàn, nhưng mỗi buổi sáng sớm đi lấy rau ở chợ đầu mối về mà thấy cơm nguội tối qua vẫn còn, tui sẽ ăn cơm nguội.

-Tô Lan Hương: Thế tại sao bỏ ra cả chục triệu mỗi tháng để tặng rau cho người ta, anh lại không thấy đó là lãng phí?

Minh Râu: Vì tui biết nó sẽ vào bụng những người thực sự cần: Những người có thể ngày hôm đó đang chờ lương, không có tiền mua bữa rau để ăn; những người sẽ vì 10 bữa rau tui tặng mỗi tháng mà có thể tiết kiệm tiền mua một hai bữa thịt cho con mình.


-Tô Lan Hương: Sau khi anh trở thành hiện tượng mạng xã hội, tôi biết nhiều người nhắn tin bày tỏ mong muốn gửi tiền để ủng hộ anh làm từ thiện, nhưng anh lại từ chối. Trên facebook cá nhân của mình, anh viết: Tui không sin (xin) ai. Sao anh không nghĩ nếu nhận tiền thì sẽ giúp được nhiều người hơn? Bao nhiêu người đều làm từ thiện như thế mà!

-Minh Râu: Tui chỉ thích làm trong phạm vi khả năng của mình, giúp một số người xung quanh mình, chứ không tham vọng gì lớn. Tui cũng không thích nổi tiếng. Nếu nhận tiền mà không làm tròn trách nhiệm, tui áy náy và mang tiếng. Nhiều người bị thế rồi. Mà một kẻ có quá khứ lẫy lừng như tui, có nhiều tiền trong tài khoản như thế chẳng may lại sinh hư, đi đánh bạc thì sao? Nên tui cảm ơn những người có lòng thành, nhưng vẫn muốn làm theo cách của mình 8 năm qua. Thay vì gửi tiền cho tui, họ có thể giúp đỡ những người xung quanh mình.

Tui là một kẻ giang hồ, xin đừng tôn tui thành người hùng


Tô Lan Hương: Bỗng nhiên nổi tiếng vì những content bán rau siêu hài hước, cảm giác của anh thế nào?

Minh Râu: Thật ra tui cũng không biết tại sao từ năm ngoái đến năm nay tui lại nổi tiếng như vậy. Vì như lúc nãy tui nói, đâu phải tui mới làm việc này đâu.

Từ hồi tui nổi tiếng trên mạng xã hội, người nhắn tin xin tiền tui cũng nhiều, mà người đề nghị gửi tiền cho tui làm từ thiện cũng không ít. Có nhiều nhà báo đến tìm tui viết bài, tui có nói với họ: Hãy viết về tui như một kẻ giang hồ, chứ đừng ca ngợi tui những gì tui không có. Nhưng tui phiền lòng lắm vì hầu như bài báo nào họ cũng ca ngợi tui hết lời. Tui nghĩ nó chỉ đúng 50-60% sự thật thôi. Nên nếu cô viết về tui thì phải tả tui thật đúng nhé.


-Tô Lan Hương: Vậy bức chân dung mà anh tự miêu tả về mình sẽ là…

Minh Râu: Tui có quá khứ, có sai lầm, có đủ thói hư tật xấu. Tui từng ham mê bài bạc, đã từng trốn vợ đi "bia ôm". Tui sẵn lòng giúp người, nhưng đôi khi nóng tính lên có thể đánh người. Tui tuyệt đối không phải người hoàn hảo.

-Tô Lan Hương: Sự nổi tiếng bất chợt này có đem lại phiền phức gì cho anh không?

Minh Râu: Phiền phức lớn nhất là từ hồi đó đến giờ đi ra đường không dám làm chuyện xấu nữa. Lâu rồi tui không dám đi "bia ôm" nữa, cũng nào dám đi karaoke. Có đi karaoke thì cũng ngồi một góc xa xa. Sợ bị người ta chụp hình đó.

Theo Tô Lan Hương - Dân trí

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Tin tuc ThangLongPro.vn
Màng PE - Màng chit